Hiện nay đang là mùa mưa bão, mưa lũ gây ngập úng trên diện rộng, kéo theo đó là các bệnh mùa mưa bão như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường ruột, nước ăn chân... Phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão thế nào cho hiệu quả đang là mối quan tâm của toàn xã hội. sau đây bộ phận y tế trường THCS Kiến Giang đưa ra một số lưu ý trong công tác phòng và chống các dịch bệnh trên:
1. Bệnh tiêu chảy
Là bệnh liên quan đến đường
tiêu hóa. Vi khuẩn E.coli thường có nhiều trong nước, rau sống, thịt nhiễm
khuẩn, vì thế mùa mưa bão được coi là mùa của bệnh đường ruột. Dấu hiệu đầu
tiên của bệnh là có những cơn đau bụng bất ngờ, sau đó một vài giờ, người bệnh
bắt đầu bị tiêu chảy. Đi ngoài khiến cơ thể mất nước và điện giải khiến người
bệnh cảm thấy mệt mỏi. Nặng hơn, sau khi tiêu chảy nhiều lần sẽ tiêu chảy ra
máu, tức là khuẩn này đã làm ruột bị tổn thương và chảy máu, khiến bệnh nhân có
thể bị hội chứng tiêu máu urê dẫn đến bị thiếu máu và suy giảm chức năng thận.
Đặc biệt hội chứng tiêu máu urê thường gặp ở tuổi học sinh. Đây là lý do gây
viêm thận cấp tính ở trẻ nhỏ và thường bắt đầu khoảng 5 đến 10 ngày sau khi bị
tiêu chảy.
Nguyên nhân chính gây tiêu
chảy là do vi khuẩn, vi-rút hoặc ký sinh trùng. Trường hợp bị tiêu chảy do vi
khuẩn thường là do ngộ độc thức ăn, uống nước lã, nước đá không được vô khuẩn,
ăn rau sống... Có tới hơn 40% ca tiêu chảy là do vi-rút đường ruột, trong đó
thường gặp nhất là rota vi-rút. Đối với ký sinh trùng đường ruột thì một số
loài giun (giun kim, giun đũa) là thủ phạm chính. Bên cạnh đó, bệnh tiêu chảy
còn có thể gặp do dùng thuốc kháng sinh, nhất là kháng sinh đường ruột kéo
dài...
Để điều trị hay phòng bệnh
có hiệu quả, trước hết, mọi người cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống nước
đun sôi để nguội. Không ăn thức ăn đã thiu, ôi. Tích cực diệt ruồi, nhặng bằng
mọi hình thức như các biện pháp dân gian, hóa chất.. Khi điều trị tiêu chảy
trường hợp nhẹ, tiêu chảy do chế độ ăn uống thì chỉ cần dùng orezol; trường hợp
tiêu chảy do vi khuẩn thì ngoài việc dùng thuốc kháng sinh phải bù nước và điện
giải. Phòng dịch tiêu chảy lây lan cần chủ động ứng phó từ việc dự trù đủ
thuốc, vật tư, hóa chất để đối phó với dịch bệnh; phối hợp với các ban, ngành
liên quan trong công tác xử lý môi trường, bảo đảm cung cấp nguồn nước an toàn
cho cộng đồng, nhất là sau khi nước rút. Các đội cơ động chống dịch, nhất là
các đội quân y tăng cường cần chủ động giám sát dịch tễ, xét nghiệm, phun hóa
chất diệt côn trùng, diệt trùng, xử lý nước và vệ sinh môi trường trong vùng
ngập lụt.

2. Bệnh nước ăn chân
Tuy không phải là bệnh nguy
hiểm, nhưng gây rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Nước ăn chân do nấm gây
nên, với các biểu hiện: có vảy và làm nứt da (đặc biệt là ở kẽ ngón chân) hoặc
có nốt phồng trong chứa ít dịch. Trong trường hợp nặng, mụn nước xuất hiện ở
những vùng khác của cơ thể, nhất là ở tay.
Để dự phòng nước ăn chân,
cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, rửa chân bằng nước sạch, lau khô các kẽ ngón chân
sau khi tiếp xúc với nước bị ô nhiễm bẩn. Thường xuyên dùng dung dịch cồn iốt
nồng độ thấp hoặc các loại bột có tác dụng diệt nấm ở bàn chân và kẽ ngón chân
và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

3. Bệnh sốt xuất huyết và sốt rét
Ngoài ra trong mùa mưa bão,
do nhiều ngày, đêm vật lộn, chống chọi với bão lũ, nên sức khỏe mỗi người bị
giảm sút, thêm vào đó điều kiện ngập lụt rất thuận lợi cho các tác nhân truyền
bệnh sốt rét, sốt xuất huyết (muỗi) phát triển. Do vậy, các gia đình, các đơn
vị phải tổ chức tốt các bữa ăn hằng ngày đủ dinh dưỡng, tích cực dọn vệ sinh
loại bỏ môi trường để muỗi phát triển và tuyên truyền để mọi người dân thực
hiện tốt việc ngủ màn…
Trước tình hình diễn biến
bất thường của thời tiết, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các
đơn vị quân đội cần phải chủ động lực lượng ứng trực và xây dựng phương án
phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu tại địa phương, đơn vị mình, đồng thời tăng
cường công tác tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh...

YT HỌC ĐƯỜNG THCS KIẾN GIANG