GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 15
Số lượt truy cập: 16677717
QUẢNG CÁO
Người là hoa của đất (Suy nghĩ về “ Bài thơ tình gửi từ ngã ba sông” của thầy giáo Nguyễn Khắc Chi) 10/22/2012 9:21:32 AM
Với tình yêu văn chương sâu nặng, tôi thường chắp bút ghi lại những suy nghĩ của mình hầu mong rèn luyện tư duy và trao dồi bút lực. Song do khả năng có hạn nên các bài viết chắc chưa đáp ứng được yêu cầu của người đọc. Nhưng đó là tình cảm chân thật của tôi, hy vọng các bạn đồng nghiệp đồng cảm, chia sẻ .

Lâu nay, chúng ta thường phân tích, bình giảng những tác phẩm văn học cổ điển trong sách giáo khoa. Nhiều người nhắm mắt lại cũng có thể nói vanh vách cái hay,  cái đẹp  của nó theo một khuôn mẫu định sẵn.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, chúng ta đã có  website  với  mục văn học nghệ thuật rất ấn tượng, tại sao chúng ta không xem đây là diễn đàn để trao đổi các tác phẩm trong và ngoài nhà  trường?  Tại sao chúng ta không bình phẩm những sáng tác hay của thầy cô giáo trong ngành để tạo một cú hích cho các tác giả có thêm nguồn cảm hứng để  tiếp  tục  sáng  tạo?

Thông thường, công việc phê bình vốn chỉ dành cho những người chuyên nghiệp. Tôi mơ ước với bài viết nhỏ này,    sẽ là viên sỏi làm  gợn sóng  mặt  hồ  bình luận vốn tĩnh lặng ấy. Mong sự góp  ý, trao đổi của bạn bè đồng nghiệp .

Nhiều người trong số chúng ta biết đến thầy giáo Nguyễn Khắc  Chi  với tư cách là chuyên viên môn Ngữ văn của phòng giáo dục Lệ Thuỷ. Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu ông với tư cách là một nghệ sĩ có trái tim nhạy cảm, nặng lòng với quê hương vùng đồng bằng chiêm trũng miền Trung.

Ở tư cách thứ nhất, thầy giáo Nguyễn Khắc Chi là một giáo viên mẫu mực, mô phạm, giàu lòng vị tha,  là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo để phụng sự nghề “ trồng người” của mình. ở tư cách thứ hai, thầy thực sự là một nghệ sĩ ... đã là nghệ sĩ thì đa đoan lắm... đẹp lắm!!!

          Tôi biết thầy làm thơ trong dịp tình cờ đọc website của Phòng những ngày đầu hoà mạng.Tôi thực sự ấn tượng khi đọc “ Bài thơ tình gửi từ ngã ba sông” . Có lẽ là chủ quan chăng?  Nhưng chí ít tôi đã rung  động và trào dâng cảm xúc, tìm ở tác phẩm này những tình cảm ủ sẵn bấy lâu nay với dòng Kiến Giang, với đồng quê, với những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm nhưng đói nghèo vẫn bám riết.

Nói đến Lệ Thuỷ thì lòng của những người con quê hương ai ai cũng bùi ngùi, xao động. Dẫu năm tháng có phôi phai, cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng miền quê yêu thương này luôn có gương mặt riêng mà nhiều vùng đất khác không thể trộn lẫn được:

 

Quê hương anh năm chỉ hai mùa

Mùa cày cấy  và mùa gặt hái.

 “Cày cấy” và “ gặt hái” là hai mùa khu biệt của Lệ Thuỷ. Tôi còn nhớ rõ cứ vào độ tháng chạp  mạ tôi ủ giống chuẩn bị cho vụ cày cấy . Trời rét căm căm những tấm lưng người nông dân  nhoài người lên các thửa ruộng như những nốt son trên bản nhạc đồng quê , để ba tháng sau, độ tháng năm họ vào mùa gặt hái.

Thầy giáo Nguyễn Khắc Chi đã khái quát đặc điểm văn hoá của quê hương qua một câu thơ ngắn gọn cũng như nhà thơ Chính Hữu đã nói về quê mình : “ Quê hương anh nước mặn đồng chua. Làng tôi nghèo đất  cày lên sỏi đá.”

Trong tâm thức của mọi người , Lệ Thuỷ là vùng quê hiền hoà, thơ mộng và lắm nỗi truân chuyên. Tác giả  một lần nữa đối diện với sự thật, chia sẻ với  quê hương:

Vất vả

gian lao

gió

mưa

nắng

                                                                                                                                            bão . . .

Tôi tin rằng, ai là người Lệ Thuỷ thì thấy được tần số cảm xúc rung lên trong sự dao động của các động   t ừ : gió,  mưa,  nắng,  bão. Bốn động từ  mạnh , vận động từ thấp đến cao : gió đến bão đã nói hết đặc điểm của Lệ Thuỷ. Chắc chúng ta còn nhớ những cơn bão kinh hoàng gieo bao nỗi đau cho đồng bào  ta trong thế kỷ trước , rồi  nhiều  mùa hạn hán làm dòng Kiến Giang khô kiệt . Lệ Thuỷ sau đó vẫn xanh biếc, người Lệ Thuỷ vẫn nồng nàn và càng đằm thắm . Nhưng hôm nay, “ bão” kinh tế thị trường , “ bão” cuộc sống làm nhiều người lo lắng. Cắt nghĩa điều này,  tác giả  đã khẳng định sức mạnh của văn hoá cộng đồng sẽ chiến thắng. Đằng sau những phạm trù vật chất ấy là một dòng văn hoá. Văn hoá Lệ Thuỷ hiển thị qua các chỉ số nhận biết, qua văn hoá nghe, văn hoá đọc:

Câu hò khoan nâng nhịp cánh cò bay. . .

Theo tôi, đây là câu thơ của một nghệ sĩ tài hoa và là sự thừa nhận của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian.

Hò khoan Lệ Thủy sẽ vươn cao, bay xa, chắp cánh cho bao ước mơ của nhiều cuộc đời lam lũ. Đây là sự khẳng định, đồng thời là niềm chia sẻ với bạn đọc gần xa.

Bài thơ được chia làm bốn khổ, viết theo lối thơ tự do nên tác giả có thể thả tràn cảm xúc của mình lên trang viết . Phải thương quê, yêu quê và tự  hào là đứa con – hoa quê – nên tác giả đã ba lần dùng cụm từ “ Quê hương anh” . Nó như  một  lời thuy ết minh, lời tự bạch và cũng là lời mời gọi : “Quê hương anh năm chỉ có hai mùa”, “ Quê hương anh đất trũng đồng sâu”, “ Quê hương anh trai gái thương nhau”.

Thế là đủ cho tình cảm của một người con , là đủ cho kết cấu của bài thơ : Gần gũi mà không dễ nhận biết, sâu nặng nhưng không gượng ép . Người đọc thấy được cái tình của người viết sau những câu thơ chặt chẽ, dư ba :

Thương hạt lúa bảy chìm ba nổi

            Bưng bát cơm lòng ai không nhức nhối

                     Biết  mấy đắng cay trong một hột ngọt bùi !

Đó là trách nhiệm với quê hương làng xóm, là sự tri ân với những người dân lao động nghèo khó, là trái tim đập nhịp đập của . . . nhà thơ - của những con người . Vì  thế , tác giả đã “ Thề ước khắc xương ghi cốt” :

Sống nhờ đất phải ươm hoa cho đất

                        Dù có

đi đâu. . .

về đâu. . .

 Và :

Sống nhờ đất phải nở hoa cho đất .

Từ  “ ươm hoa” cho đến “ nở hoa” là một quá trình lao động và cống hiến lâu dài. Con người sống “nhờ đất” thì phải có trách nhiệm với đất . Lời nguyện thề này của thầy giáo Nguyễn Khắc Chi được gửi qua lời nhắn với người em làm dâu Lệ Thuỷ . Hãy dệt nó vào gối cưới bên cạnh chữ hạnh phúc trăm năm. Bởi,  tình riêng phải gắn với tình chung . Bởi , quê hương đã làm đẹp cho tình yêu đôi lứa.

Xuyên suốt bài thơ là nỗi lòng của tác giả với quê hương xứ sở “ gạo trắng nước trong” , với bao con người cần cù lam lũ, chịu thương chịu khó. Sợi chỉ đỏ nối liền giữa nhà thơ và đọc giả là âm vang của “ giọng hò khoan” được chắt lọc, chưng cất từ  bao đời nay. Nó là rượu của tình cảm đã  ủ chín, là men của tình yêu da diết, khắc khoải, đậm đà.

Mượn lời của một chàng trai thổ lộ tình cảm với người yêu, thầy giáo Nguyễn Khắc Chi đã rất cao tay để bộc bạch những nghĩ suy, trở trăn với quê hương và thể hiện trách nhiệm công dân của mình.Bài thơ cô nén cảm xúc từ lâu, ẩn chứa sau một  chiều sâu văn hoá, được diễn đạt qua hình thức thơ hiện đại nên phải chăng tác giả gọi đó là “ Bài thơ tình gửi từ ngã ba sông” ? Nhưng nếu hiểu “ Ngã ba sông” là địa danh Mũi Viết của dòng Kiến Giang cũng chẳng sai chút nào. Có lẽ đứng trên Mũi Viết tác giả đã nồng nàn thi hứng và làm bài thơ này nhằm ký thác tâm sự  ? Vì thế,  mỗi câu thơ ( dù là thơ tự  do) đều ngân nga chất nhạc, du dương, đằm thắm.

Người ta thường nói nhà thơ không có tuổi và trái tim bao giờ cũng trẻ. Nó đập nhịp đập  mà Đông y  hay Tây y không bắt  mạch được ... Nó biết đồng cảm,  giao hoà và tạo ra hiệu ứng thẩm mĩ cho cuộc đời . Mặc dù trình làng muộn, nhưng theo tôi làm thơ không phân biệt lứa tuổi . Tài năng của nhà thơ không phải bắt đầu từ số lượng bài viết hay khả năng vào nghề sớm mà nằm ở chỗ,  thơ của anh có lắng đọng và có nhiều người đồng cảm, chia sẻ hay không. Thầy giáo Nguyễn Khắc Chi đã làm được điều đó.

 

   Ngô Mậu Tình 

                                               (Tổ bồi dưỡng – THCS Kiến Giang)                        

 

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Dương Quyền_0988858299
Lê Dương Quyền_0988858299
Nguyễn Anh Minh_0912129122
Nguyễn Anh Minh_0912129122
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS KIẾN GIANG - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3882916 - Email: thcs_kiengiang@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com