GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 77
Số lượt truy cập: 16510241
QUẢNG CÁO
VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VĂN HIỆN NAY 10/19/2016 10:39:48 AM
Hiện nay, việc áp dụng mô hình trường học mới đặt ra cho giáo viên nói chung và giáo viên dạy Ngữ văn nói riêng phải không ngừng đổi mới để ngày càng nâng cao chất lượng dạy học và khơi gợi niềm đam mê hứng thú học môn Ngữ văn. Trong những năm qua, bản thân tôi và học sinh phải trực tiếp giải quyết rất nhiều dạng bài tập khác nhau, mỗi một dạng có nét đặc thù riêng biệt, do vậy việc tạo hứng thú cho học sinh học môn Ngữ văn là một trong những khâu trọng yếu, mang tính đột phá để duy trì vị trí môn học trong lòng học sinh là một yêu cầu không dễ, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của mỗi người đứng lớp.

Dạy văn là sự giải mã một cách nghệ thuật cái vô hình sau cái hữu hình, cái im lặng sau cái âm thanh, cái thần thái của mỗi xác chữ, cái đa nghĩa, cái lấp lửng, cái không xác định. Dạy văn và học văn là một niềm vui sướng. Sau giờ học văn  làm cho HS rung động, yêu đời, yêu cuộc sống và lớn lên một chút. Dạy văn không đơn thuần là dạy kiến thức mà dạy tâm hồn.

          Nhiệm vụ của người giáo viên dạy văn là phải làm cho học sinh hiểu được cái hay cái đẹp của văn học, kích thích sự hứng thú học tập học văn cho học sinh. Một giờ dạy văn là phải tạo ra được những rung động thẩm mỹ, sâu sắc khiến người ta say mê và có những xúc cảm mãnh liệt về những cung bậc tình cảm.

Trong thực hiện mục tiêu này thì phân môn Văn học có ưu thế đặc biệt, bởi lẽ “ Văn học là nhân học”, là “ Sản phẩm của trái tim” và người đọc tiếp nhận nó cũng bắt đầu từ trái tim. “Thơ bắt đầu từ trái tim và kết thúc bằng trái tim”. Để đạt được mục tiêu trên, vấn đề có ý nghĩa trên hết cho hiệu quả dạy và học môn Văn là người thầy phải đổi mới cách dạy, trò đổi mới cách học.

Bản chất của đổi mới cách dạy và học Ngữ Văn hiện nay là: Chuyển học sinh từ nhân vật tiếp nhận thụ động sang vị trí đồng tiếp nhận, đồng sáng tạo; chuyển thầy cô giáo từ vị trí cảm thụ thay và truyền đạt kết quả cảm thụ cho học sinh thông qua thuyết giảng sang vị trí là người tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động cảm thụ, qua đó giúp các em có được những hứng thú, mê say trong môn học.

 

Mỗi giáo viên giảng dạy văn học ở trường phổ thông cần thấy rõ hiệu năng của phương pháp mới. Nếu phương pháp dạy học truyền thống chỉ chú ý đến hoạt động cơ bản là thầy giảng, trò ghi thì phương pháp dạy học tích cực chú ý vào hoạt động lĩnh hội tri thức, bắt đầu từ những hoạt động bên trong của con người. Vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy tác phẩm văn chương trong trường phổ thông mới có khả năng khơi dậy và phát huy những tiềm năng vẫn còn ngủ quên trong mỗi HS. Phương pháp dạy học tích cực gõ mạnh vào trí thông minh, sở trường ở người học để phát huy tính tự giác. Phương pháp này thể hiện sự vận động và có định hướng cần thiết của hoạt động trí tuệ trong việc hình thành kiến thức. Quá trình này cuốn HS vào công việc nhận thức tích cực, kích thích sự ham hiểu biết của trí tuệ, có khả năng khơi dậy nội lực bên trong. Từ đó, các em có cơ hội phát huy hết mức trí lực của mình. Như vậy, phương pháp dạy học tích cực khác phương pháp dạy học truyền thống không phải ở chỗ làm cho việc học tập trở nên khó khăn hơn với HS, mà ở chỗ trong quá trình học tập các em phải thực sự làm việc. Các em sẽ vượt qua được những khó khăn nhận thức, hoàn thành được những bài tập sáng tạo và rèn luyện được ý chí nhận thức của mình, tạo tiền đề cho các em học sinh yêu và thích môn Văn trong nhà trường.

Phương pháp này sẽ làm thay đổi nhiệm vụ của thầy và trò theo hướng tích cực. Người HS ở đây trở thành chủ thể tích cực trong quá trình tiếp nhận và đồng sáng tạo. Mà thầy giáo chính là người định hướng, dẫn dắt trong quá trình phát triển tư duy và hoạt động học tập của các em.

          Các văn bản nghệ thuật được đưa vào dạy học ở chương trình phổ thông đều là những tác phẩm có giá trị cao về nội dung và ẩn chứa nhiều điểm sáng về nghệ thuật. Điểm sáng ấy chính là điểm bình. Đó là những chi tiết, những hình ảnh, những từ ngữ, những cách diễn đạt tinh tế chứa đựng những đặc sắc nghệ thuật và chuyển tải những nội dung thông tin có giá trị. Điểm bình chính là nơi tụ hội tư tưởng, tình cảm, tài năng của tác giả mà mỗi bài học cần khai thác.

          Lời bình là sự cụ thể hoá những cảm nhận về điểm bình, do đó nó có vai trò hết sức quan trọng. Người bình thông qua ngôn ngữ của mình mà tác động trực tiếp đến người nghe. Người nghe có cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm cũng như những cung bậc tình cảm của người bình hay, không phụ thuộc rất lớn vào lời bình.

          Thời điểm bình tức là lúc giáo viên, hoặc học sinh trình bày lời bình. Thời điểm bình phụ thuộc vào sự có mặt của điểm bình và ý đồ khai thác các điểm bình ấy của giáo viên. Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm bình thích hợp ( bình đúng chỗ, đúng lúc) sẽ có tác dụng rất lớn. Theo chúng tôi, thời điểm thích hợp để bình chính là lúc xảy ra tình huống có vấn đề trong sự cảm thụ của học sinh  về điểm bình. Bình ở thời điểm này sẽ giúp các em giải toả được những khó khăn và thoả mãn nhu cầu cảm thụ, từ đó các em sẽ có sự nhận thức sâu sắc tác phẩm, đồng thời khơi dậy hứng thú cho giờ học. Chọn thời điểm bình ở lúc chuyển tiếp từng nội dung bài học, hay bình để kết thúc bài học cũng để phát huy rất tốt hiệu quả của bình. Bởi ở thời điểm này bình vừa có tác dụng nhấn sâu kiến thức về tác phẩm, vừa mở rộng hướng tiếp nhận, vừa tạo ra sự chuyển tiếp nhịp nhàng, để lại dư âm sâu lắng cho mỗi bài học.

          Thức dậy khát vọng học trò trong những giờ giảng văn là tạo ra bầu không khí văn chương. Đó là một bầu không khí cởi mở dân chủ, bầu không khí đối thoại. Bước vào giờ giảng là bước vào một không khí được sẻ chia, được trao đổi, tâm tư, ở đó, thầy và trò bình đẳng với nhau trong quá trình khám phá và sáng tạo. Mọi áp đặt, mọi thiên kiến chủ quan sẽ giết chết không khí văn chương. Bao nhiêu năm đi dạy, chúng tôi đã kiên nhẫn, đã khuyến khích để lắng nghe được ý kiến từ học trò. Một câu hỏi đúng lúc, đúng chỗ, vừa sức; một ánh mắt thiện cảm, một lời động viên khích lệ, một sự chờ đợi không nôn nóng, một sự tranh thủ thêm nhiều ý kiến, một giả định, một nhận xét thoả đáng, đó là những gì ngoài văn chương hết sức cần thiết để nhen lên khát vọng từ học trò vốn dĩ đã nguội lạnh. Kể cả những lúc chấm bài cho HS cần trân trọng từng sáng tạo của các em, sửa chữa những lỗi nhỏ bằng những nét bút, con chữ hết sức cẩn trọng là một việc làm có ý nghĩa.

          Để cho  học sinh được nói lên những ý nghĩ chân thật tự sâu thẳm tâm hồn mình là một điều cần thiết và kể cả những lúc các em  vào cuộc tranh luận, tôi lắng nghe, chưa bao giờ tôi đánh mất vị thế của mình là nhân vật “trung tâm” của giờ lên lớp và tôi  nhận thấy rằng đây cũng là một cách đổi mới phương pháp dạy học.

                                                        Đoàn Kim Lệ - THCS Kiến Giang

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Dương Quyền_0988858299
Lê Dương Quyền_0988858299
Nguyễn Anh Minh_0912129122
Nguyễn Anh Minh_0912129122
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS KIẾN GIANG - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3882916 - Email: thcs_kiengiang@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com