Trong một lần được phân công dạy thay bài Nấu ăn trong gia đình (Công nghệ 9) cho một đồng nghiệp bị ốm tôi giật mình phát hiện thì ra từ bấy lâu nay mùa đâu chỉ tính bằng sự khuyết tròn của con trăng, sự lên xuống của con nước, của từng đợt triều dâng hay những ranh giới cụ thể của tờ lịch hoặc những thay đổi trong cảm nhận tiết trời… mà với riêng tôi thì mùa còn trôi qua những bát canh mẹ nấu hằng ngày
Và cũng đúng lúc
này tôi mới thấy mình đã và đang nắm giữ được điều quý giá nhất của cuộc sống
đó chính là sự yêu thương và đầm ấm của những bữa cơm gia đình. Nhiều khi hạnh
phúc chỉ đơn giản đến độ bất ngờ như bát canh hằng ngày mà mâm cơm mỗi gia đình
đều có nhưng đó mới chính là điều làm ta khắc khoải, nhớ nhung mỗi khi đi đâu
xa.
Trong bữa cơm của người Việt thông thường bao gồm ba bữa: bữa sáng,
bữa trưa và bữa tối. Bữa trưa và bữa tối vẫn là hai bữa ăn chính được các gia
đình chú trọng hơn với các món ăn đa dạng hơn. Tuy nhiên, cả ba bữa ăn đều phải
có đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng là: bột đường, chất đạm, chất béo và các loại
rau quả. Trong đó thì cơm, món kho (hoặc món mặn) và đặc biệt là món canh là
những món không thể thiếu trong mỗi mâm cơm gia đình.
Mẹ tôi là một nông dân chất phác, phúc hậu và hay lam hay làm. Hầu hết
các công việc nội trợ trong nhà đều in dấu tay mẹ. Mẹ thu vén mọi việc đâu vào
đấy để ông bà nội được yên vui sống với tuổi già, để ba được yên tâm trong
những năm tháng đằng đẵng dạy học xa nhà, để anh trai được yên trí trong ngày
hai buổi đi học và để tôi được yên bình trong từng giấc ngủ trẻ thơ. Hạnh phúc
biết bao mỗi khi cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm vào mỗi ngày. Đó là những
bữa ăn đơn giản, đạm bạc nhưng luôn được nêm nếm gia vị đầm ấm và yêu thương
của không khí gia đình. Mẹ luôn là người chủ động đưa ra thực đơn hàng ngày để
phù hợp với thể trạng và sở thích của mọi người trong nhà.
Khi màu vàng non của những luống cải trong vườn nhà bắt đầu hé nở thì mọi
người bắt đầu rộn ràng với việc chuẩn bị đón Tết. Sau những buổi tất bật với
quần áo mới, với bánh tét, với kẹo mứt... thì cả nhà chúng tôi lại quây quần
bên mâm cơm vào mỗi tối. Lúc này mẹ thường nấu canh cá rô đồng với cải xanh
hoặc canh cá chép ngọt lừ. Cải thì lúc nào cũng sẵn có được ông bà nội gieo
thành từng đợt còn những con rô đồng, con chép còn tươi rói là thành quả của
anh trai tôi sau những buổi tan học. Màu trắng của cá lẫn với màu xanh của rau,
vị ngọt thanh của cá hòa với vị đăng đắng của rau cải và cả chút cay cay nồng
nồng của hạt tiêu đã mang đến cho gia đình tôi những bữa ăn ấm áp, rộn ràng. Những
món canh này như ướp thêm gia vị nồng nàn, ấm áp của mùa xuân đất trời.
Từng đợt mưa vào cuối xuân thường mang theo không khí oi nồng của
những ngày đầu hạ và cái chuyển mình nhanh chóng của tiết trời giao mùa làm cho
mọi người bắt đầu thấy uể oải và mỏi mệt. Mẹ nhanh chóng đổi sang canh hoa
thiên lý nấu tôm, canh mướp đắng nấu tôm, canh ngao nấu bầu… để làm dịu ớt
không khí nóng nực của những mùa nắng chói chang, bức bối. Mùa hè như được tươi
trong hơn, mát mẻ hơn bởi những niềm vui và hạnh phúc trong tiếng cười của mỗi
thành viên trong gia đình.
Có lẽ tôi nhận ra mùa thu rõ ràng nhất khi có sự hiện diện của món
canh nấm tràm. Vốn bản thân tôi rất ghét những món có vị đắng nên tôi thường ngại
và nhác ăn hẳn trong những bữa này. Mẹ biết vậy nên luôn khéo léo nấu kết hợp
nấm tràm với rau muống hoặc rau khoai và có khi cả từng ngọn mồng tơi non mượt.
Vị thanh dịu của rau quyện lẫn với vị đắng của nấm cùng với những lời động
viên, khích lệ của mẹ giúp tôi "giải quyết" bữa ăn một cách nhanh
chóng và vui vẻ. Và cũng vì thế nên mùa thu trong kí ức tôi đâu chỉ là những lá
bàng rực đỏ, những cúc vàng nở rộ mà còn có thêm dư vị đắng đắng của canh nấm
tràm từ bát canh mẹ nấu.
Rồi khi từng đợt gió heo may tràn về mang theo cái lành lạnh của mùa
đông thì phút giây hạnh phúc nhất là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm nóng hôi
hổi. Món canh măng khô hầm xương hay canh khoai môn tía nấu sườn luôn được mẹ ưu
ái dành đãi cả nhà. Tiếng cười nói rộn ràng, rôm rả bên những bữa cơm rực sáng
ánh đèn như xua tan đi cái buốt giá của mùa đông đang quẩn quanh ngoài bậu cửa
sổ.
Từng bữa qua đi rồi từng ngày qua đi anh em tôi đã lớn khôn trong sự
chăm chút của bàn tay và tấm lòng yêu thương của mẹ. Và giờ đây khi đã trưởng
thành hơn tôi mới nhận thức được bấy lâu nay mình trở thành người giàu có nhất
khi đã có cả một kho kỉ niệm ngọt ngào tuổi thơ đặc biệt là kí ức từng bữa ăn
gia đình với món canh mẹ nấu hằng ngày. Đâu chỉ riêng tôi mới có được những
hoài niệm về mẹ và món canh của mẹ mà Chế Lan Viên cũng từng đau đáu, trở trăn
trong bài thơ Canh cá tràu:
Canh cá tràu mẹ
thường hay nấu khế,
Khế trong vườn
thêm một tí rau thơm.
Ừ, thế đó mà một
đời xa cách mẹ,
Ba mươi năm trở
lại nhà nước mắt rơi xuống mâm cơm!
Bữa ăn không chỉ giản đơn là chuyện cơm nước của đời sống hàng ngày mà
hơn cả là cuộc gặp mặt nho nhỏ của cả gia đình để sẻ chia những chuyện vui hay khó
khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Đó còn là thời gian thư giãn để mọi thành viên
trong gia đình tôi có được tâm trí thảnh thơi trở lại sau một ngày làm việc,
học hành căng thẳng. Các bữa ăn gia đình, nhất là bữa tối chính là những khoảnh
khắc của niềm vui trong mỗi gia đình và cao hơn cả là nét đẹp văn hóa trong
phong cách sinh hoạt thường ngày của người Việt Nam.
Nguyễn Thị Minh Huyền
(Gv trường THCS Kiến Giang)