“Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa”, nghe câu hát lòng tôi bỗng bồi hồi nhớ về một thời đã qua.
Ngày đó, học cấp III lớp tôi do cô Thuỷ chủ nhiệm còn tôi là một cậu học trò nghịch ngợm, phá phách, luôn là một đối tượng được nhắc nhở nhiều nhất vào tiết sinh hoạt cuối tuần. Nào không làm bài tập, làm việc riêng trong lớp, không học bài, còn cả chuyện giả vờ ốm để xin nghỉ học đi chơi lêu lỏng. Một lần, cô chủ nhiệm phát hiện ra tôi giả chữ kí của bố mẹ viết giấy xin phép nghỉ học, cô đã tìm đến nhà tôi hỏi và dĩ nhiên lần đó tôi bị một trần đòn nhừ tử. Tôi ức lắm, lại càng quậy phá hơn và trở thành “người nổi tiếng” của trường không phải vì học giỏi mà do thường xuyên bị nêu tên trước toàn trường vào mỗi buổi chào cờ.
Bước vào lớp 11, tôi vẫn không có gì chuyển biến cả trong học tập và đạo đức của mình. Tôi đứng trước nguy cơ bị đuổi học nếu vi phạm thêm một lỗi ảnh hưởng đến phong trào thi đua của trường, lớp. Vậy mà chỉ mới một tuần sau khi bị cảnh cáo, tôi đã trốn học đánh nhau với mấy đứa ở ngoài trường. Ngay lúc đó cô giáo chủ nhiệm có mặt đã vào can ngăn. Nếu lúc đó mà không có cô chắc tôi cũng ốm đòn vì một mình dám đánh lại với ba đứa. Tuy đã bỏ đi nhưng bọn chúng lại có những lời lẽ xúc phạm đến cô, tôi định lao vào đánh tiếp thì cô nhanh tay kéo tôi lại và quát: “Em có thôi đi không!”. Nhìn vào mắt cô tôi mới biết nước mắt cô đang chảy, bỗng dưng tôi thấy mình có lỗi vô cùng và nghĩ chắc lần này sẽ bị đuổi học nếu cô đưa tôi về trường với cái tội tày đình: trốn học đi đánh nhau. Nhưng cô đã đưa tôi về nhà của cô, còn tôi lặng lẽ bước đi theo, không biết lúc ấy cái tính ương ngạnh của mình đã đi đâu mất. Đến nhà, cô lấy dầu cho tôi xoa vào những vết đánh råi lấy nước cho tôi uống. Tôi cứ ngồi lặng im, cúi gầm mặt xuống bàn. Ngồi một lúc, cô hỏi tôi: “Có khi nào em suy nghĩ về những hành động của mình không ?”. Tôi định nói rất nhiều, nhưng không hiểu sao lại không làm được điều đó, điều tôi muốn nói với cô lúc này là lời xin lỗi, thật lòng em xin lỗi cô ơi!. Như hiểu được tâm trạng của tôi, cô không hỏi gì thêm mà bảo tôi về nhà không bố mẹ lại lo vì cũng đã muộn. Đưa tôi ra khỏi cổng nhà, cô còn nhắc nhở tôi đi xe cẩn thận.
Ánh mắt, lời nói và những cử chỉ của cô ngày ấy thật sự đã làm lay chuyển trong nhận thức của tôi. Tôi dần đi vào nề nếp của trường, lớp, hoà đồng với bạn bè, thầy cô. Được sự giúp đỡ của mọi người, nhất là cô giáo chủ nhiệm, từ một học sinh cá biệt tôi đã chịu khó học hành và lấy lại được căn bản kiến thức. Lên lớp 12, là năm cuối cùng của thời học sinh cũng là lần đầu tiên tôi có giấy khen: học sinh tiên tiến. Tôi cảm nhận được niềm tự hào từ cha mẹ và cả cô giáo chủ nhiệm của mình, vì trước đây tôi quá hư hỏng, lên lớp còn khó chứ đừng nói đến chuyện có giấy khen.
Không dừng lại ở đó, với sự nổ lực hết mình, tôi đã đạt được kết quả tốt trong kì thi tốt nghiệp và đại học. Tôi đã trở thành một cậu sinh viên đó các bạn ạ!. Người đầu tiên tôi báo niềm vui lớn lao đó chính là cô giáo chủ nhiệm. Vâng! Cô đã khóc, khóc cho cậu học trò đã bước đầu mở được cánh cửa của tương lại, khóc cho cậu học trò một thời dại dột.
Bước vào quãng đời sinh viên, do học xa nhà nên phải vào dịp tết, hè tôi mới đến thăm cô được. Cô vẫn luôn khuyên tôi cố gắng học hành, rèn luyện để trë thành người có ích. Một lần đến nhà cô chơi, chợt nhớ đến câu chuyện, cái ngày tôi đánh nhau bị cô bắt được, tôi hỏi:
- Sao hôm ấy cô không đưa em về trường?
- Vì cô không muốn một cậu học trò nào của mình bị đuổi học cả. Sống phải biết cho người ta có cơ hội sữa chữa sai lầm.
Tôi hỏi tiếp:
- Điều quan trọng là con người ta biết sai và sữa chữa phải không cô?
- Ừ! Rất vui vì em đã nhận ra điều đó.
- Nếu như hôm đó cô đưa em về trường thì chắc không có ngày hôm nay đâu cô nhỉ?
Hai cô trò chỉ biết nhìn nhau cười mà không biết nói gì hơn. Sau một hồi trò chuyện tôi xin phép cô ra về.
………
Giờ đây, khi tôi đã trở thành một người giáo viên và làm công tác chủ nhiệm mới thấy thấm thía tâm huyết của những người cô, người thầy dành cho học sinh, luôn quan tâm, động viên mong cho các em ngày một tiến bộ. Tôi vẫn nhớ một câu nói đã từng đọc qua: “ Nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất vì nó sáng tạo ra những con người biết sáng tạo”.
Cũng có lúc trong cuộc sống gặp chuyện vui buồn, nhưng tình yêu nghề vẫn luôn rực cháy. Tôi luôn trau dồi kiến thức, tìm những phương pháp dạy học mới để giúp các em tiếp thu bài nhanh hơn. Cô giáo chủ nhiệm của tôi giờ cũng đã có tuổi, vẫn tiếp tục làm người chèo những chuyến đò đưa bao lớp người đi tìm giá trị của cuộc sống. Biết tôi trở thành một thầy giáo, cô gọi điện cho tôi và hỏi:
- Thế nào thầy. Bây giờ em đã hiểu rõ tại sao ngày ấy cô làm như vậy chưa?
- Dạ em hiểu.
- Vậy ư! Thử nói cho cô nghe xem nào.
- Dạ! Vì chúng ta là những người chèo đò, con đò của tri thức, của những đời người biết trân trọng giá trị của cuộc sống. Phải vậy không cô?
- Chà làm thầy rồi ăn nói có khác.
Cô trò tôi lại cười. Cô nói tiếp:
- Thôi! Cô chúc em luôn thành công trên con đường mình đã chọn, hẹn dịp khác cô trò ta nói chuyện, chắc lúc đó sẽ có nhiều chuyện để nói phải không?
- Dạ! cảm ơn cô. Em chúc cô luôn mạnh khoẻ. Chào cô.
Thời gian đã trôi qua lâu, nhưng lời xin lỗi tôi muốn nói với cô ngày nào vẫn chưa thực hiện được. Thực lòng cô ơi em muốn nói: “Em xin lỗi cô”.