Văn học vốn rất gần gũi với cuộc sống, mà cuộc sống bao giờ cũng bề bộn và vô cùng phong phú. Mỗi tác phẩm văn chương là một mảng cuộc sống đã được nhà văn chọn lọc phản ánh.Vì vậy môn Ngữ Văn trong nhà trường có một vị trí rất quan trọng : Nó là vũ khí thanh tao đắc lực có tác dụng sâu sắc đến tâm hồn tình cảm của con người. M.Goóc- Ki nói : ''Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở con người khát vọng hướng tới chân lý". Vì vậy, văn học "Chắp đôi cánh" để các em đến với mọi thời đại, với mọi nền văn hoá, xây dựng trong các em niềm tin vào cuộc sống, con người, trang bị cho các em vốn sống, hướng các em tới đỉnh cao của chân, thiện, mỹ.
Dạy văn là sự giải mã một cách nghệ thuật cái vô hình sau cái hữu hình, cái im lặng sau cái âm thanh, cái thần thái của mỗi xác chữ, cái đa nghĩa, cái lấp lửng, cái không xác định. Dạy văn và học văn là một niềm vui sướng, sau giờ học văn GV làm cho HS rung động, yêu đời, yêu cuộc sống và lớn lên một chút. Dạy văn không đơn thuần là dạy kiến thức mà dạy tâm hồn. Nhiệm vụ của người giáo viên dạy văn là phải làm cho học sinh hiểu được cái hay cái đẹp cuả văn học, kích thích sự hứng thú học tập học văn cho học sinh .Một giờ dạy văn là phải tạo ra được những rung động thẩm mỹ, sâu sắc khiến người ta say mê.
Thực tế cho thấy, tình hình dạy học phân môn Văn hiện nay có nhiều biểu hiện đáng báo động: Một số giáo viên chưa làm chủ được “sân khấu”, có một bộ phận học sinh và phụ huynh “quay lưng lại” với môn Văn. Vị thế môn Ngữ văn nói chung và phân môn Văn nói riêng đang đi xuống. Điều đó thực sự là thách thức đối với chúng ta và đòi hỏi mỗi người phải tìm tòi, đổi mới, trau dồi kiến thức để đáp ứng tình hình dạy và học văn trong thời đại mới.
Bản chất của đổi mới cách dạy và học Ngữ Văn hiện nay là: chuyển học sinh từ nhân vật tiếp nhận thụ dộng sang vị trí đồng tiếp nhận, đồng sáng tạo; chuyển thầy cô giáo từ vị trí cảm thụ thay và truyền đạt két quả cảm thụ cho học sinh thông qua thuyết giảng sang vị trí là người tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt độngcảm thụ, qua đó giúp các em có được những hứng thú, mê say trong môn học.
Tuy vậy, việc dạy Văn của giáo viên còn là cả một vấn đề cần bàn:
- Một số giáo viên nghiêng hẳn và lạm dụng phương pháp dạy học hiện đại, tổ chức cho học sinh hoạt động thông qua hệ thống câu hỏi và một số công việc nên giờ dạy khô khan, thiếu hấp dẫn.
- Một số lạm dụng công nghệ thông tin đã biến giờ dạy Văn học như một giờ xem phim... Cuối cùng cái đọng lại trong học sinh là “phim” chứ không phải là văn chương.
Từ cách dạy trên, hiện nay trong trường THCS vẫn tồn tại tình trạng một số học sinh học theo kiểu đối phó, các em lười đọc, lười suy nghĩ về tác phẩm văn học, ngại viết, ngại luyện kỹ năng diễn đạt. Tất nhiên việc học sinh ngại học Ngữ văn do nhiều yếu tố chi phối sự tác động của xã hội là chọn ngành nghề sau này, song có lẽ phần lớn là do giáo viên chưa có sức lôi cuốn học sinh, phương pháp dạy còn cứng nhắc… Vì vậy để học sinh thích học Ngữ văn có lẽ giáo viên cần thực sự hiểu và thực hiện việc “đổi mới phương pháp dạy học” một cách sáng tạo nhằm tạo hứng thú cho học sinh và nâng cao hiệu quả dạy học (Đặc biệt là phân môn Văn) trong trường THCS.
Trong phạm vi một bài viết nhỏ, tôi xin góp vài suy nghĩ về kinh nghiệm tạo hứng thú nâng cao hiệu quả dạy học phân môn Văn trong nhà trường trung học cơ sở, góp phần việc khôi phục lại vị trí môn Ngữ Văn trong học sinh nói riêng và nhà trường nói chung:
Trước hết, Gv cần thấy dược tính ưu việt của phương pháp dạy học mới.Mỗi giáo viên giảng dạy văn học ở trường phổ thông cần thấy rõ hiệu năng của phương pháp mới. Nếu phương pháp dạy học truyền thống chỉ chú ý đến hoạt động cơ bản là thầy giảng - trò ghi thì phương pháp dạy học tích cực chú ý vào hoạt động lĩnh hội tri thức, bắt đầu từ những hoạt động bên trong của con người. Vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy tác phẩm văn chương trong trường phổ thông mới có khả năng khơi dậy và phát huy những tiềm năng vẫn còn ngủ quên trong mỗi HS. Các em sẽ vượt qua được những khó khăn nhận thức, hoàn thành được những bài tập sáng tạo và rèn luyện được ý chí nhận thức của mình, tạo tiền đề cho các em học sinh yêu và thích môn Văn trong nhà trường.
Thứ hai, làm tốt công tác chuẩn bị để nâng cao đổi mới phương pháp dạy học Văn . Trong dạy học Văn, công tác chuẩn bị rất quan trọng, trong đó đặc biệt là vấn đề cảm thụ của thầy cô giáo trên cơ sở kết quả cảm thụ thiết kế một tiết dạy khả thi. Điều quan trong trong cảm thụ là giáo viên phải giải quyết những câu hỏi sau:
- Tác phẩm được sinh thành trong hoàn cảnh nào? Tình hình xã hội? Gia đình và bản thân nhà văn? Hoàn cảnh này có tác động như thế nào đối với nội dung tác phẩm?
-Phát hiện những đặc sắc về giá trị nội dung? Những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm? ( Trong đó lưu ý giọng điệu văn chương, hình ảnh, ngôn ngữ, các biện pháp nghệ thuật...)
- Những kĩ năng văn chương cần rèn cho học sinh ( đọc, phát hiện dấu hiệu văn chương, trình bày kết quả cảm thụ qua ngôn ngữ nói, viết...)
Thứ ba, thiết kế giáo án. Đổi mới phương pháp dạy học trên lớp đòi hỏi giáo án cũng phải đổi mới. Bản chất của giáo án đổi mới là thể hiện rõ từng hoạt động của thầy và trò. Tất cả các hoạt động này nằm trong một chỉnh thể. Khác với giáo án cũ là tóm tắt nội dung bài giảng, kiến thức sách giáo khoa, ở giáo án mới, thông qua các hoạt động, thầy giáo với vai trò dẫn dắt giúp học sinh phát hiện và tiến đến cảm thụ được cái hay, cái đẹp của tác phẩm về nội dung và nghệ thuật.
Thứ 4, tổ chức hoạt động cảm thụ trên lớp:Trên cơ sở thiết kế giáo án, giáo viên cần quan tâm đến tổ chức hoạt động cảm thụ trên lớp cho học sinh ở tất cả các khâu: đọc - hiểu, chú thích, phân tích tác phẩm. Tất cả đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy và trò, trò với trò, cá nhân với tập thể nhóm, lớp...tạo không khí văn chương trong quá trình cảm thụ. Đối với việc hướng dẫn học sinh đọc: giáo viên sau đọc mẫu cần cho học sinh thảo luận rút ra cách đọc cho cả lớp... để vận dụng trong quá trình đọc ở lớp hoặc ở nhà. Dạy tìm hiêu, giáo viên phải lưu ý đến hệ thống câu hỏi trong tất cả các hoạt động. Điều đầu tiên cần quan tâm là câu hỏi phải nằm trong một hệ thống chỉnh thể, câu hỏi vừa có tính logic, khoa học vừa mang tính văn chương để tạo được tâm thế cho học sinh. Quá trình tổ chức tìm hiểu lưu ý chọn điểm nhấn văn chươngtrong giờ dạy. Đó chính là những tình tiết nghệ thuật đắt giá,điểm sáng thẩm mỹ của tác phẩm, là “con mắt của thơ” trong các bài thơ...Ở những tình tiết này, tập trung gợi cho học sinh phân tích cảm thụ, giáo viên gia công lời bình sau khi học sinh thảo luận, tạo sự thăng hoa cho tiết dạy
Thứ năm, bình văn vẫn là một biện pháp góp phần tăng hiệu quả hứng thú giờ học Văn. Bình văn là biện pháp khó có thể vắng mặt trong mỗi giờ dạy Văn.. Bản chất của bình là sự cảm thụ và diễn đạt vẽ đẹp về tác phẩm. Nó không chỉ là sự hiểu biết sâu sắc về tác phẩm mà còn là những ình cảm, những rung động,những tiếng lòng đồng điệu của người bình với tác giả qua tác phẩm. Do vậy sử dụng tốt bình văn sẽ tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn đáng kể của một bài học về văn bản nghệ thuật. Bình không những tác động đến trí tuệ mà còn tác động sâu sắc tới đời sống tình cảm thẩm mĩ của học sinh, đồng thời còn rèn các kĩ năng cảm nhận, nghe, nói, viết của các em. Ngoài điều này còn phải kể đến hiểu quả tích cực cao khi sử dụng bình văn. Bình văn phải là hoạt động của cả hai phía thầy và trò. Thầy có thể bình khi cần thiết, nhưng phải luôn chú trọng hướng dẫn trò bình . Thầy bình là sự tồng hợp nâng cao cảm thụ thẩm mĩ của trò về nâng cao văn bản. Trò bình sẽ là quá trình tự rèn luyện nâng cao cảm thụ và kĩ năng diễn đạt văn chương cho các em. Sự tương tác giữa thầy và trò trong cùng một hoạt động sẽ hạn chế đến mức tối giản .Theo tôi, có thể hình dung qui trình vận dụng biện pháp này như sau:
*Phát hiện điểm bình
Các văn bản nghệ thuật được đưa vào dạy học ở chương trình phổ thông đều là những tác phẩm có giá trị cao về nội dung và tồn tại nhiều điểm sáng về nghệ thuật. Điểm sáng ấy chính là điểm bình. Đó là những chi tiết, những hình ảnh , những từ ngữ, những cách diển đạt….tinh tế chứa đựng những đặc sắc nghệ thuật và chuyển tải những nội dung thông tin có giá trị. Điểm bình chính là nơi tụ hội tư tưởng, tình cảm, tài năng của tác giả mà mỗi bài học cần khai thác.
*) Xây dựng lời bình
Lời bình là sự cụ thể hoá những cảm nhận về điểm bình, do đó nó có vai trò hết sức quan trọng. Người bình thông qua ngôn ngữ của mình mà tác động trực tiếp đến người nghe. Người nghe có cảm nhận hết cái hay,cái đẹp của tác phẩm cũng như nhửng cung bậc tình cảm của người bìnhhay không phụ thuộc rất lớn vào lời bình. Để có một lời bình hay, cần chú ý tới một số yêu cầu như sau:
- Lời bình phải tương ứngvới nội dung được bình, nghĩa là phải trúng ý tránh sự tản mạn, không ăn nhập với nội dung tác phẩm.
-Lời bình cần phải sử dụng hết sức mạnh của ngôn từ để tác động đến người nghe một cách nhanh nhất, bền nhất. Về ngôn từ lời bình phải được xây dựng bằng thứ ngôn ngữ chọn lọc, gọt giũa giàu sức biểu hình, biểu cảm. Về câu, phải sử dụng đa dạng các kiểu câu để điễn tả đủ cái hay cái đẹp của điểm bình và tình cảm của người bình. Lơì bình cũng không nên quá dài, quá cường điệu mà phải ngắn gọn, súc tích vừa độ…
Ví dụ:Hình ảnh mặt trời trong bài thơ “Viếng lăng Bác” Viễn Phương.
( Trong hai câu thơ:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
là một sự phát hiện tinh tế của Viễn Phương. Mặt trời ở câu thơ thứ nhất là hình ảnh tả thực : mặt trời của vạn vật muôn loài...được nhân hóa. Hình ảnh mặt trời trong câu thứ hai là một ẩn dụ về sự vĩ đại, trường tồn của Bác. Lần đầu tiên trong văn học có một sự phát hiện mới mẻ: Mặt trời của dương gian phải chấp nhận mặt trời trong lăng “rất đỏ”.... Đây chính là nét tài hoa của Viễn Phương.....
*) Chọn thời điểm bình
Thời điểm bình tức là lúc giáo viên, hoặc học sinh trình bày lời bình. Thời điểm bình phụ thuộc vào sự có mặt của điểm bình và ý đồ khai thác các điểm bình ấy của giáo viên. Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm bình thích hợp ( bình đúng chỗ, đúng lúc) sẽ có tác dụng rất lớn. Theo chúng tôi, thời điểm thích hợp để bình chính là lúc xảy ra tình huống có vấn đề trong sự cảm thụ của học sinh về điểm bình. Bình ở thời điểm này sẽ giúp các em giải toả được những khó khăn và thoả mãn nhu cầu cảm thụ, từ đó các em sẽ có sự nhận thức sâu sắc phẩm,đồng thời khơi dậy hứng thú cho giờ học. Chọn thời điêm bình ở lúc chuyển tiếp từng nội dung bài học, hay bình để kết thúc bài học cũng để phát huy rất tốt hiệu quả của bình .Bởi ở thời điểm này bình vừa có tác dụng nhấn sâu kiến thức về tác phẩm , vừa mở rộng hướng tiếp nhận, vừa tạo ra sự chuyển tiếp nhịp nhàng,để lại dư âm sâu lắng cho mỗi bài học…
Thứ sáu, thức dậy khát vọng trong mỗi giờ học Ngữ Văn cũng là một hình thức tạo hứng hứng thú cho học sinh. Dạy - học bất cứ môn nào quan trọng nhất là thức dậy khát vọng học tập trong học sinh . Khi các em nguội tắt nhiệt huyết và lòng đam mê thì kết quả không như mong muốn là một tất yếu. Có hàng loạt nghịch lý diễn ra: Thời gian rất có hạn mà tri thức thì không cùng, môn học thì quá tải mà thời gian, sức học của học sinh thì có hạn. Tác phẩm văn chương (đặc biệt là những tác phẩm xuất sắc) khai thác mãi vẫn không hết ý nghĩ sâu xa, mà thời gian trên lớp lại rất hạn hữu. Vì vậy, thắp sáng khát vọng cho học sinh qua mỗi giờ giảng là điều quan trọng hơn là cung cấp, nhồi nhét cho học sinh một mớ kiến thức. Con đường học tập là con đường suốt đời. Thắp sáng ngọn lửa cho học sinh là một cách để các em đam mê, dấn thân vào con đường tri thức nhân loại. Có thể nói, tri thức trong giờ giảng của thầy giáo là tri thức cơ bản, tri thức ban đầu để các em tự đi tiếp trên con đường chông gai ấy.
Để môn Ngữ văn nói chung và phân môn Văn nói riêng phát triển, cùng một lúc chúng ta làm một cách đồng bộ các khâu: quản lý, đánh giá, giảng dạy…Với quan điểm đổi mới, sáng tạo, “làm nghề” chúng ta hy vọng môn Ngữ văn sẽ có vị trí vững chắc trong xã hội mà trước hết là trong lòng của học sinh!