Gửi đến thầy Lê Trung Chính
(Hiệu trưởng trường THCS Phong Thủy)
Thực đã lâu lắm rồi con mới có dịp ghé lại để gặp thầy. Thầy vẫn dáng cao gầy, nhanh nhẹn như buổi đầu con gặp trong những lần thầy giảng văn. Theo thói quen thầy đưa tay vuốt lên mái tóc đã bạc màu. Bất chợt con giật mình thảng thốt ngỡ như thời gian vừa lướt qua khoảnh khắc ấy. Con vô tâm nghĩ rằng thầy của con ngày xưa đến bây giờ vẫn vẹn nguyên như được mặc định đóng khung trong một vùng kí ức. Mười năm rồi phải không thầy? À không, phải nói rằng nó đã trôi qua dấu mốc đó cách đây vài ba năm rồi thầy nhỉ? Ngày ấy con bỡ ngỡ, lạ lẫm và nôn nao bước vào ngưỡng cửa lớp Sáu. Hình như cái cảm giác của ngày ấy vẫn thỉnh thoảng ùa về trong thoáng chốc để rồi con lại thấy ấm lòng biết bao khi được sống trong những lời giảng văn đầy mê hoặc và diệu kì của thầy. Bất chợt con đem tâm nghĩ đến bài thơ Lúc rời nhiệm sở cũ của Hoàng Anh mà thấy lòng mình lắng gợn những ưu tư, trăn trở:
Thưa thầy con đi…
Câu chào đã rơi xa… Sao lòng còn quay lại?
Bến khuya mông mênh con đò nằm khắc khoải
Đôi tay gầy không vẫy nỗi đêm đen.
Xa lạ những ngày đầu tiên
Phút ngỡ ngàng chợt mất…
Con nhận ra thầy trong từng khoảnh khắc
Lời ân cần trên mái tóc hoa râm:
“Đừng vì cơm áo gạo tiền… toan tính… che thân…”
Sao quanh con những mưu mô lọc lừa cứ nhạt dần trang vở trắng?
Con muốn sống như thầy, ngẩng mặt giữa những bon chen đè nặng
Lấp lánh sắc màu viên phấn bảng tinh khôi
Con hụt hẫng kiếm tìm điều diệu kỳ như giấc mơ xa xôi
Ngày hạt nảy mầm trời mênh mông nắng đỏ
Chiếc lá nhỏ nhoi bung mình ra khỏi vỏ
Chợt quắt quay theo khát vọng mặt trời.
Tựa con ốc thu mình trong chiếc tổ lẻ loi
Gậm nhấm nỗi lụi tàn của những ước mơ mệt mỏi.
Con hèn nhát chối từ làm con thuyền vượt qua lời sóng gọi
Êm ả bến bờ… thuyền nhỏ gối đầu yên.
Có phải những ánh mắt hồn nhiên, mái trường nghèo nàn… trì níu bước chân thầy ở lại?
Mảnh trăng côi heo hút tựa mảnh đời…
Con mơ thiên đàng với những vì sao xa xôi
Bay lên mãi tìm chân dung hạnh phúc.
“Đừng tự ray rứt mình trước những điều thiết thực
Bởi mùa xuân cần có mặt trời hồng”
Lời ngụy biện nghèo nàn sao lấp được nỗi bao dung
Con bỏ lại sau lưng
Những bước chân thầy lạnh run mùa nước nổi.
Con đò chòng chành
Bước con lầm lũi…
Dòng hoang vu chìm khuất cội nguồn xưa.
Những dòng thơ đầu tiên vang lên tưởng như tiếng đồng vọng từ một miền kí ức của những ngày xưa cũ. Tiếng đồng vọng này va đập vào vách ngăn kỉ niệm để rồi bung bật lên thành một lời nức nở:
Thưa thầy con đi…
Câu chào đã rơi xa… Sao lòng còn quay lại?
Bến khuya mông mênh con đò nằm khắc khoải
Đôi tay gầy không vẫy nỗi đêm đen.
Sự mạnh mẽ trong bước chân, sự rành rẽ trong quyết định và sự dứt khoát trong lời chào khiến ai cũng ngỡ một hành động không vướng chút ưu tư, trở trăn của đứa học trò trong phút chia tay thầy giáo để rời khỏi trường cũ. Tuy nhiên, ngày lại ngày hình ảnh của người thầy trong lần chia tay cuối không thể nào phai nhạt mà càng làm đầy thêm nỗi dứt day, day dứt. Không gian bến khuya và thời gian đêm đen dường như đã nuốt gọn bóng dáng thầy buổi nào đưa tiễn trò trên hành trình đi tìm miền ảo ảnh hạnh phúc. Cái vẫy tay đầy khắc khoải không thể níu kéo hay buộc giữ lại khát vọng của tuổi trẻ với bao nhiệt huyết say mê. Đôi tay gầy ấy ngày nào từng đã dắt dìu, chỉ lối trò trong việc đi tìm đích đến của lí tưởng cuộc đời:
Xa lạ những ngày đầu tiên
Phút ngỡ ngàng chợt mất…
Con nhận ra thầy trong từng khoảnh khắc
Lời ân cần trên mái tóc hoa râm:
“Đừng vì cơm áo gạo tiền… toan tính… che thân…”
Sao quanh con những mưu mô lọc lừa cứ nhạt dần trang vở trắng?
Dẫu biết rằng cuộc sống là phải chuyển động, phải thay đổi nhưng có phải vì thế mà những lời thầy răn dặn ngày nào đã bị những tính toan cứ lấp dần, lấp dần qua từng năm tháng? Là lời thanh minh hay là lời thú nhận của đứa học trò thì cũng đã quá trễ muộn cho câu trả lời mà năm xưa thầy đem vào trong từng lời giảng.
Học trò chính là trang giấy trắng để người thầy định hướng thực hiện nên những ước mơ cao đẹp và đầy ý nghĩa. Thế nhưng trang vở ấy đã bị hoen ố lấm len những vụn vặt, manh mún của đời sống thường nhật và cũng có khi lại miết mải đuổi theo những giấc mơ khát vọng viển vông để rồi khi giật mình ngoái lại thì mọi thứ dường như đã quá trễ tràng:
Con hụt hẫng kiếm tìm điều diệu kỳ như giấc mơ xa xôi
Ngày hạt nảy mầm trời mênh mông nắng đỏ
Chiếc lá nhỏ nhoi bung mình ra khỏi vỏ
Chợt quắt quay theo khát vọng mặt trời.
Tựa con ốc thu mình trong chiếc tổ lẻ loi
Gậm nhấm nỗi lụi tàn của những ước mơ mệt mỏi.
Con hèn nhát chối từ làm con thuyền vượt qua lời sóng gọi
Êm ả bến bờ… thuyền nhỏ gối đầu yên.
Có phải những ánh mắt hồn nhiên, mái trường nghèo nàn… trì níu bước chân thầy ở lại?
Mảnh trăng côi heo hút tựa mảnh đời…
Con mơ thiên đàng với những vì sao xa xôi
Bay lên mãi tìm chân dung hạnh phúc.
Tuổi trẻ tràn trề biết bao hoài bão và khát vọng được làm những điều thật cao cả và to lớn để rồi sự bồng bột hiếu thắng của tuổi trẻ sẽ được mài giũa bởi thực tiễn cuộc đời. Đó nào là khát vọng mặt trời, là thiên đàng với những vì sao xa xôi hay cứ mãi tìm kiếm cái được gọi tên là chân dung hạnh phúc để rồi chợt thảng thốt giật mình ngoái vọng về phía miền kí ức cũ. Lật giở lòng mình hoài niệm về những ánh mắt hồn nhiên, mái trường nghèo nàn… và cả bóng dáng thầy vẫn ngày ngày in dấu lên những lối mòn. Hình ảnh mảnh trăng côi - mảnh đời khuyết cong thành một nỗi nhớ đau đáu trong lòng của học trò. Chính cách ví von đầy sức gợi hình này cứ như một dấu hỏi chấm neo giữ trong kí ức của mỗi người. Thầy vẫn ở lại đó để làm bến đợi, làm nơi neo đậu, làm địa điểm tạm trú cho những khát vọng lũ lượt lần tìm về sau những bôn ba chìm nổi của dòng tạo hóa.
Là cách để trấn an lòng mình hay là sự lấp liếm cho những ước mơ quá xa vời mộng ảo hay những sai lầm mà đứa học trò đã từng va vấp? Dẫu biết rằng cuộc đời này được gầy dựng, vun tạo bởi những ước mơ và khát vọng thế nhưng để có thể thực hiện được những điều này thì phải chấp nhận thay đổi và cần lắm sự mạnh mẽ trong bản thân mỗi người:
“Đừng tự ray rứt mình trước những điều thiết thực
Bởi mùa xuân cần có mặt trời hồng”
Cứ miết mải mê đuổi để hiện thực hóa những giấc mơ, những hoài bão, những khát vọng để rồi phút vô tình họ lại chối bỏ cái cần nhất cho cuộc sống này chính là bắt nguồn từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất:
Lời ngụy biện nghèo nàn sao lấp được nỗi bao dung
Con bỏ lại sau lưng
Những bước chân thầy lạnh run mùa nước nổi.
Phút bàng hoàng nhận ra mình lạc lối thì cũng là lúc đã trễ tràng quá chăng? Con thuyền cuộc sống đã mang trò đi ngược lại con thuyền tri thức và ước vọng của thầy. Bao tin yêu, bao mong mỏi cũng như bao kì vọng đã trôi xuôi theo dòng vật chất của hiện thực cuộc sống:
Con đò chòng chành
Bước con lầm lũi…
Dòng hoang vu chìm khuất cội nguồn xưa.
Hình ảnh con đò ấy cứ chòng chành, chòng chành dần khuất nhòa trong tầm mắt và cả trong tâm tư suy nghĩ của trò. Và lẫn vào trong những đau đáu, xót xa ấy hình như có cả chút dư vị đắng đót đến thắt lòng… Con bây giờ và con của ngày xưa đã quá xa lạ phải không thầy? Con hèn nhát không dám làm con thuyền vượt trên những con sóng bạc đầu, đối diện với những phong ba bão táp hay khám phá thêm nhiều chân trời mới lạ. Có phải những lời dạy bảo của thầy ngày nào con đã vội quên vội xóa?
Cuộc đời sẽ vẫn cuồn cuộn trôi theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Những thế hệ học trò này lại kế tiếp thế hệ kia lần lượt lớn lên theo những bài giảng, lời căn dặn và sự kì vọng của thầy. Và rồi sẽ có thêm nhiều thất bại hơn gặt hái thành công trong trường cuộc sống. Tuy nhiên, chính nhờ những va vấp ấy lại giúp ta thêm trưởng thành, thêm kinh nghiệm sống và thêm bản lĩnh cho bản thân mình. Thầy lại tiếp tục chèo lái con thuyền tri thức đi qua bao mùa nước nổi, đi qua ngày nắng ngày mưa và vẫn ngày ngày cần mẫn gieo thêm hạt mầm mơ ước trong lòng mỗi thế hệ học trò. Những mầm non ấy sẽ thấm trải mưa nắng gió sương để vững vàng hơn trong mỗi việc làm và hành động. Và dù trước kia, bây giờ và mãi sau này thì chúng con vẫn mãi là những đứa học trò non nớt, vụng dại cần lắm sự bao dung, bao bọc và chở che của tình thầy mà thôi.
Nguyễn Thị Minh Huyền
(Trường THCS Kiến Giang)